Chiến thắng không phải là tất cả
Trong cuộc sống, không phải lúc nào chiến thắng cũng đồng nghĩa với việc về đích đầu tiên. Một chiến thắng thực sự đôi khi chỉ được đo bằng lòng nhân ái và sự tôn trọng lẫn nhau. Câu chuyện của vận động viên chạy bộ Abel Mutai và Ivan Fernandez, hai người đến từ những nền văn hóa khác nhau, nhưng lại có cùng một giá trị nhân văn sâu sắc, là minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó. Câu chuyện không chỉ là một cuộc đua thể thao, mà còn là bài học về lòng nhân ái, sự công bằng và những giá trị mà chúng ta truyền lại cho thế hệ sau.
Ivan Fernandez Anaya là một vận động viên chạy đường dài người Tây Ban Nha. Anh nổi tiếng với tinh thần thể thao đáng kinh ngạc mà anh đã thể hiện với một vận động viên người Kenya tại cuộc đua việt dã năm 2012 ở Burlada, Navarre, vào ngày 2 tháng 12 năm 2012.
Vận động viên chạy bộ Abel Mutai người Kenya chỉ còn cách vạch đích vài mét thôi, nhưng anh ta bị rối bởi các bảng chỉ dẫn và dừng lại vì nghĩ rằng anh ta đã hoàn thành cuộc đua. Vận động viên Ivan Fernandez người Tây Ban Nha chạy ngay phía sau anh ta, nhận thấy điều đó và đã hét lên để vận động viên Kenya chạy tiếp. Nhưng anh Mutai không biết tiếng Tây Ban Nha và đã không hiểu.
Nhận ra điều đó, anh Fernandez đã đẩy Mutai về đích chiến thắng. Một nhà báo đã phỏng vấn Ivan: “Tại sao anh lại làm thế?”. Ivan trả lời: “Tôi luôn ao ước một ngày nào đó chúng ta sẽ có 1 cộng đồng sinh sống mà chúng ta giúp đỡ nhau chiến thắng.” Nhà báo cứ tiếp tục hỏi: “Nhưng tại sao anh lại để anh ta chiến thắng?”.
Ivan trả lời: “Tôi không có để anh ấy thắng, thực sự anh ta sẽ chiến thắng. Cuộc đua đã là của anh ấy rồi.”
Người phóng viên cứ khăng khăng: “Nhưng lẽ ra anh đã có thể thắng rồi!”. Ivan nhìn người phóng viên và trả lời: ” Vậy chiến thắng đó có ý nghĩa gì nữa? Còn gì là danh dự của chiếc huy chương? Mẹ của tôi sẽ nghĩ sao? Những giá trị này được truyền từ đời này sang đời khác. Chúng ta dạy con mình những giá trị gì? Và bạn muốn khích lệ người khác đạt được gì? Hầu hết chúng ta thường lợi dụng điểm yếu của người khác thay vì giúp đỡ họ khắc phục các điểm yếu đó.”